Cổ tức là gì ? Tất tần tật mọi điều về cổ tức.
- Investi
- 24 thg 4, 2021
- 11 phút đọc
Đã cập nhật: 31 thg 5, 2021

Thu nhập từ đầu tư cổ phiếu đến từ hai nguồn lợi nhuận: mua bán chênh lệch giá và cổ tức. Vì vậy, cổ tức là một trong những yếu tố quan trọng nhà đầu tư cần nắm rõ để đưa ra quyết định đầu tư.
Dưới đây, Az Stock sẽ giải thích toàn bộ các câu hỏi về cổ tức và các yếu tố liên quan để giúp đỡ nhà đầu tư hiểu rõ hơn về khái niệm này.
Nội dung chính bao gồm:
Cổ tức là gì?
Cổ tức bằng tiền?
Cổ tức bằng cổ phiếu?
Sự khác biệt giữa cổ tức bằng tiền và cổ tức bằng cổ phiếu
Làm thế nào để nhận cổ tức?
Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì? Ngày đăng ký cuối cùng là gì?
Tại sao giá cổ phiếu bị điều chỉnh giảm trong ngày giao dịch không hưởng quyền?
Cách tính giá cổ phiếu điều chỉnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền.
Trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ tức cổ phiếu tốt hơn?
Quan niệm giá cổ phiếu sẽ tăng khi ra tin chi trả cổ tức bằng tiền?
Thế nào là tỷ lệ cổ tức hấp dẫn?
1. Cổ tức là gì?
Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho cổ đông sau khi đã trừ đi các khoản trích quỹ theo quy định của doanh nghiệp. Hằng năm, số tiền cổ tức và trích quỹ được biểu quyết thông qua tại đại hội cổ đông thường niền của doanh nghiệp (thường vào quý 1 hằng năm).
Khi chi trả cổ tức, doanh nghiệp có hai hình thức chi trả chủ yếu:
- Cổ tức bằng tiền
- Cổ tức bằng cổ phiếu (tên gọi khác là phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ phiếu thưởng, chia cổ phiếu thưởng)
Ví dụ trong nghị quyết họp đại hội cổ đông năm 2016 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2), trong trường hợp này thì doanh nghiệp có thống nhất tỷ lệ cổ tức theo cả hai hình thức gồm tiền mặt và bằng cổ phiếu.

2. Cổ tức bằng tiền
Là hình thức doanh nghiệp chi trả tiền mặt trực tiếp vào tài khoản chứng khoán của cổ đông.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, doanh nghiệp khi chi trả cổ tức thường công bố tỷ lệ chi trả. Tỷ lệ này được tính dựa trên mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Ví dụ theo Nghị quyết đại hội cổ đông năm 2020 của CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (mã ABI), công ty sẽ chi trả tỷ lệ cổ tức với tỷ lệ 20%/1 cổ phần, tức là 20% của mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng, tương ứng với cổ tức tiền mặt cổ đông sẽ nhận được là 20% * 10.000 = 2.000 đ/cp.

3. Cổ tức bằng cổ phiếu
Trả cổ tức bằng cổ phiếu là việc công ty phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông.
Lưu ý: việc phát hành cổ phiếu này không làm gia tăng lượng vốn chủ của doanh nghiệp, cũng như thay đổi tỷ lệ sở hữu của cổ đông.
Ví dụ ngày 20/12/2019, cổ phiếu FTS chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%/mệnh giá hoặc là 5 : 100, tức là khi nắm giữ FTS, cổ đông đang nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu FTS mới.
4. Sự khác biệt giữa cổ tức bằng tiền với cổ tức bằng cổ phiếu
Sự khác biệt chính giữa việc hai hình thức chi trả cổ tức là việc ảnh hưởng lên dòng tiền và tổng tài sản của doanh nghiệp.
Đối với việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt, dòng tiền lợi nhuận sau thuế sẽ được dùng chi trả cổ tức trực tiếp cho cổ đông, đây là lượng tiền mà doanh nghiệp bị mất đi.
Nếu tỷ lệ chi trả cổ tức cao hơn dòng tiền từ lợi nhuận sau thuế thì doanh nghiệp sẽ phải sử dụng các tài sản khác để chi trả cổ tức cho cổ đông (ví dụ đi vay tiền để chi trả, dùng vốn chủ sở hữu để chi trả).

Đối với việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, dòng tiền lợi nhuận sau thuế được giữ lại doanh nghiệp, trở thành khoản mục "Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối" giúp gia tăng vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.

Với 562 tỷ trị giá của cổ tức bằng cổ phiếu, số tiền này sẽ làm gia tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

5. Làm thế nào để nhận cổ tức?
Để có thể nhận được cổ tức, nhà đầu tư cần nắm giữ cổ phiếu trước ngày giao dịch không hưởng quyền của cổ phiếu đó. Hằng năm, trước khi chia trả cổ tức, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải công bố thông tin này lên báo chí.
Trong trường hợp cổ phiếu bạn nắm giữ là cổ phiếu đã niêm yết, cổ tức sẽ được trả trực tiếp vào tài khoản chứng khoán của bạn.
Trong trường hợp cổ phiếu bạn nắm giữa là cổ phiếu chưa niêm yết (OTC), bạn cần liên hệ và đến trực tiếp doanh nghiệp để nhận cổ tức.
Để xem được tin tức cổ tức của doanh nghiệp đã niêm yết, nhà đầu tư có thể vào cafef.vn, sau đó thực hiện các bước sau:
Bước 1: Lựa chọn doanh nghiệp muốn tìm kiếm thông tin, nhập tên mã tương ứng vào ô tìm kiếm.

Bước 2: Ở mục tin tức - sự kiện, lựa chọn phần trả cổ tức - chốt quyền để hiển thị các tin tức liên quan đến cổ tức.

Ở đây, ngày công bố thông tin trả cổ tức của VNM là 28/08/2020, ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông là ngày 29/02/2020.
6. Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì?
Khi doanh nghiệp công bố thông tin về lịch trình chi trả cổ tức, có hai ngày nhà đầu tư cần lưu ý gồm ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) và ngày đăng ký cuối cùng (ĐKCC).

Trong đó, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày giao dịch mà người mua sẽ không được hưởng các quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông…)
Ngày đăng ký cuối cùng là gì?
Là doanh nghiệp chốt danh sách người sở hữu chứng khoán với mục đích để thực hiện các quyền cho cổ đông.
Tại ngày chốt danh sách, nếu nhà đầu tư có tên trong danh sách người sở hữu chứng khoán sẽ được nhận các quyền của mình như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự ĐHCĐ.
Ngày đăng ký cuối cùng là ngày làm việc liền sau Ngày giao dịch không hưởng quyền.
Tại sao lại có ngày đăng ký cuối cùng và ngày giao dịch không hưởng quyền?
Theo quy định, thời hạn thanh toán là T+2 đối với các giao dịch chứng khoán bình thường. Tức là sau 02 ngày làm việc (không tính thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ), thì chứng khoán hoặc tiền sẽ về tài khoản của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư mua cổ phiếu trước ngày GDKHQ thì sẽ có tên trong danh sách được hưởng quyền. Nếu mua cổ phiếu tại ngày GDKHQ hoặc sau ngày GDKHQ thì nhà đầu tư sẽ không có tên trong danh sách và không được hưởng các quyền cổ đông.

Ví dụ:
Ngày 01/11, HPG công bố chi trả cổ tức tỷ lệ là 10% bằng tiền mặt (1.000 đ/cp).
Ngày giao dịch không hưởng quyền của cổ phiếu là ngày 07/11 (thứ sáu), ngày đăng ký cuối cùng là ngày làm việc liền sau 10/11 (thứ hai).
Nhà đầu tư mua cổ phiếu HPG từ ngày 07/11 trở đi sẽ không được nhận quyền cổ tức này. Chỉ có các nhà đầu tư mua cổ phiếu trước ngày 07/11 thì sẽ có tên trong danh sách cổ đông để nhận quyền.
Lưu ý: Ngày thanh toán là ngày cổ đông được nhận cổ tức (tiền mặt, cổ phiếu) từ doanh nghiệp, tuy nhiên ngày này không có thời gian quy định cụ thể mà do doanh nghiệp tự quyết định.
Có trường hợp doanh nghiệp mất vài năm vẫn còn nợ cổ tức doanh nghiệp hoặc không chi trả như đã cam kết nên nhà đầu tư phải cẩn trọng.
7. Tại sao giá cổ phiếu bị điều chỉnh giảm trong ngày giao dịch không hưởng quyền?
Trong ngày GDKQH, bạn sẽ thấy giá cổ phiếu bị điều chỉnh giảm tương ứng với tỷ lệ cổ tức cổ phiếu được chi trả.
Vậy tại sao lại phải điều chỉnh giá trong ngày giao dịch không hưởng quyền?
Để giải thích, đơn giản, bạn hãy nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu giá cổ phiếu không điều chỉnh khi trả cổ tức.
A. Trường hợp doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền.
Giả sử cổ phiếu X có thị giá là 10.000 đ/cp, số lượng cổ phiếu tương ứng là 200.000 cổ, tương ứng cổ phiếu X có giá trị vốn hóa là 2 tỷ đồng (= 10.000 * 200.000). Cổ phiếu X có tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt là 1.000đ/cp.
Giả sử nếu ngày GDKHQ mà giá cổ phiếu không điều chỉnh thì vốn hóa cổ phiếu X vẫn giữ nguyên 2 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị sổ sách của X bị giảm còn 1,9 tỷ đồng (sau khi trừ đi 0,1 tỷ tiền cổ tức).
Như Az Stock đã chia sẻ ở phần số 4, doanh nghiệp dùng phần lợi nhuận chưa phân phối (hạng mục thuộc vốn chủ sở hữu) để chi trả cổ tức, đó là lý do khiến vốn chủ sở hữu giảm, làm giảm giá trị sổ sách của doanh nghiệp.
Vì vậy, nếu giá cổ phiếu không điều chỉnh là điều phi lý khi khiến vốn hóa và giá trị sổ sách bị khác biệt.
B. Trường hợp doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Vẫn là cổ phiếu X, X có thị giá là 10.000 đ/cp, số lượng cổ phiếu tương ứng là 200.000 cổ, tương ứng cổ phiếu X có giá trị vốn hóa là 2 tỷ đồng (= 10.000 * 200.000).
Cổ phiếu X có tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là 1:1, giả sử nhà đầu tư có 100 cổ phiếu sẽ nhận được thêm 100 cổ.
Trong trường hợp này, nếu giá cổ phiếu không điều chỉnh thì giá trị vốn hóa của doanh nghiệp sẽ được tăng gấp đôi thành 4 tỷ (4 tỷ = 10.000 * 400.000) khi số lượng cổ phiếu bây giờ thành 400.000 cổ và giá cổ phiếu vẫn là 10.000 đ/cp.
8. Cách tính giá cổ phiếu điều chỉnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền
Hiện tại, bảng giá của các công ty chứng khoán đã tự tính việc thay đổi giá cổ phiếu trong ngày GDKHQ. Tuy nhiên, Bạn có thể áp dụng công thức của Az Stock dưới đây để tự tính toán trong các trường hợp:
- Trả cổ tức bằng tiền
- Trả cổ tức bằng cổ phiếu
- Phát hành cổ phiếu
- Chia tách cổ phiếu

Trong đó:
Pdc: giá cổ phiếu điều chỉnh
P: giá cổ phiếu chưa điều chỉnh
Pph: giá cổ phiếu phát hành
a: tỷ lệ cổ phiếu phát hành thêm
b: cổ tức tiền mặt
c: tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu (cổ phiếu thưởng)
Ví dụ:
Cổ phiếu VCB vào ngày 1/1/2020 có giá 30.000 đồng. Ngày 2/2/2020 là ngày GDKHQ của cổ phiếu VCB với các quyền sau:
Tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền 100:15 (tương đương 15% hay 1.500 đồng)
Tỷ lệ chia cổ phiếu thưởng 100:10 (tương đương 10%)
Phát hành thêm cổ phiếu tỷ lệ 100:20 giá 10.000 đồng/cp
Từ đó, giá tham chiếu của cổ phiếu được điều chỉnh vào ngày GDKHQ như sau:

9. Trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ tức cổ phiếu tốt hơn?
Các nhà đầu tư thường yêu thích một doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền mặt hơn là doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu. Lý do:
Là khoản hoàn vốn cho nhà đầu tư
Là dấu hiệu cho thấy rằng công ty vẫn hoạt động kinh doanh thuận lợi
Cổ tức tiền mặt là khoản hoàn vốn cho nhà đầu tư: Giả sử cổ phiếu VNM giá 10.000 đ/cp, cổ tức tiền mặt mỗi năm là 1.000 đ/cp. Khi nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VNM thì mỗi năm tỷ suất hoàn vốn của nhà đầu tư đạt được là 10% = 1.000/10.000.
Điểm quan trọng nữa là nhà đầu tư có thể dùng tiền cổ tức nhận được để đi tái đầu tư giúp gia tăng khả năng sinh lời, điều mà nhà đầu tư sẽ không làm được nếu nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Cổ tức tiền mặt là dấu hiệu cho thấy rằng công ty vẫn hoạt động kinh doanh thuận lợi: Nhiều nhà đầu tư cho rằng doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả mới có dòng tiền để chi trả cổ tức.
Tuy nhiên, điều này sẽ là sai lầm với trường hợp doanh nghiệp vay nợ để cố gắng duy trì việc trả cổ tức. Việc này cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và việc duy trì trả cổ tức chỉ với mức đích là trấn an cổ đông.
Vậy nhà đầu tư làm sao để phát hiện được điều này?
Bạn có thể kiểm tra thông qua Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.

Tổng của dòng tiền từ lưu chuyển tiền tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là -1.968 tỷ đồng.
Tức là trong năm 2017, DPM không có tạo ra dòng tiền dương mà còn thâm hụt do đầu tư lớn.

Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn duy trì việc trả cổ tức với mức giá trị lên tới -398 tỷ. Do đó, có khả năng doanh nghiệp phải vay gia tăng nợ vay để chi trả cổ tức cho cổ đông.
Doanh nghiệp không chi trả cổ tức tiềm mặt không phải là xấu.
Có nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cần lượng vốn lớn để tiếp tục mở rộng quy mô vì vậy họ lựa chọn việc không chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lựa chọn doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE cao để đảm bảo họ dùng vốn hiệu quả và tránh xa những doanh nghiệp có tỷ suất ROE thấp.
Vậy nhà đầu tư làm sao để phát hiện được điều này?
Ví dụ với cổ phiếu ROS

Nhà đầu tư so sánh tỷ suất ROE với lãi suất tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn 12 tháng, nếu doanh nghiệp có ROE <= lãi suất tiết kiệm thì chứng tỏ doanh nghiệp dùng vốn không hiệu quả.
Đồng thời, điều này có nghĩa là việc ROS giữ lại tiền vốn của cổ đông để tăng trưởng đang làm “xói mòn” giá trị của cổ đông. Bạn nên tránh những cổ phiếu này vì càng nắm giữ thì giá trị vốn của bạn sẽ càng bị giảm đi.
10. Quan niệm giá cổ phiếu sẽ tăng khi ra tin chi trả cổ tức bằng tiền?
Như Az Stock đã chia sẻ ở mục số 9, nhà đầu tư thường có xu hướng yêu thích việc doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt, do đó giúp cấu thành nên một quan niệm là khi doanh nghiệp công bố chi trả cổ tức tiền mặt sẽ chứng tỏ là doanh nghiệp đang làm ăn tốt, từ đó sẽ được thị trường chú ý và đẩy giá cổ phiếu lên.
Tuy nhiên, thực tế biến động giá của cổ phiếu phụ thuộc hoàn toàn vào cung cầu thị trường. Việc doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền là một yếu tố có hai mặt (giải thích ở mục 9). Vì vậy nhà đầu tư cần tỉnh táo để đưa ra các quyết định đúng đắn.
11. Thế nào là tỷ lệ cổ tức tiền mặt hấp dẫn?
Để lựa chọn cổ phiếu để đầu tư hưởng cổ tức, nhà đầu tư cần đầu tư khi thị giá cổ phiếu ở mức hợp lý sao cho tỷ lệ cổ tức tiền mặt/thị giá tối thiểu phải lớn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng 12 tháng.
Ví dụ: cổ phiếu NT2 có giá là 20.000 đồng/cp, cổ tức trung bình hằng năm là 2.500 đồng/cp. Tỷ lệ cổ tức/thị giá là 12,5%, so với lãi suất tiết kiệm 12 tháng năm 2020 là 7%/năm.
Do đó cổ phiếu NT2 được đánh giá là hấp dẫn để đầu tư dài hạn hưởng cổ tức.

Commenti