top of page

Cập nhật ĐHCĐ 2024 và KQKD quý 1/2024 các doanh nghiệp

  • Ảnh của tác giả: Investi
    Investi
  • 3 thg 5, 2024
  • 19 phút đọc

1. CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP)


- Thứ nhất là tình hình thị trường điện: Về cơ bản năm nay là nóng, mùa cao điểm tháng 4, 5 và 6 tới đây nhu cầu toàn hệ thống tăng > 10%, riêng ở khu vực miền Bắc thì nhu cầu tăng 17%, trong khi không có nguồn điện mới nên QTP cũng phải tăng sản xuất. Theo chủ tịch công ty chia sẻ thì trong 4 tháng đầu năm 2024, QTP đã sản xuất khoảng 2,75 tỷ kwh, tăng trưởng cỡ 17% so với cùng kỳ, nên khả năng là quý 2 năm nay vẫn có lợi nhuận tốt.


- Thứ hai, tỷ lệ alpha trong hợp đồng PPA của QTP năm nay Bộ CT cho giảm từ 80% xuống 70%. Tức là phần sản lượng Qc giảm đi và phần phát trên thị trường cạnh tranh tăng lên. Cái này có ý nghĩa 2 mặt: nếu thị trường thiếu điện, thì phần phát trên thị trường cạnh tranh sẽ được giá cao -> lãi cao hơn. Còn nếu thị trường thừa điện thì lại kém đi. Nhưng với tình hình sắp cao điểm nắng nóng thiếu điện như vậy thì khả năng QTP sẽ tốt hơn, vừa tăng sản lượng vừa tăng về giá.


- Thứ ba, về chi phí cố định: Kế hoạch chi phí cố định 2024 là khoảng 1.661 tỷ ~ thực hiện 2023 và thấp hơn kế hoạch 2023 khoảng 300 tỷ. Trong cơ cấu chi phí cố định này thì khấu hao giảm 300 tỷ và chi phí O&M tăng 300 tỷ so với thực hiện năm 2023 (thế là cân bằng). Ở đây đáng nói là khấu hao là con số cố định, còn chi phí O&M sẽ phụ thuộc thực tế. Nên nếu năm nay tiết kiệm được O&M ở mức tương tự như 2023 thì có khả năng lãi thêm 200-300 tỷ so với kế hoạch.

-> Nói chung năm nay có 1 số cơ sở để hi vọng vưọt kỳ vọng.


- Cổ đông nhỏ lẻ đề xuất công ty có chế độ báo cáo tháng về sản lượng (nếu có doanh thu càng tốt), chủ tịch tiếp nhận và nói sẽ nghiên cứu, vì QTP đã có cơ chế báo cáo hàng tháng cho cổ đông lớn rồi nên đã có số liệu, bây giờ nghiên cứu cơ chế để thông báo cho cổ đông nhỏ lẻ. Cái này thì ta phải chờ xem công ty triển khai như nào.


- Khoản chênh lệch tỷ giá thì còn khoảng 1 nghìn tỷ, nhưng vẫn phải chờ cơ chế, hướng dẫn mới xử lý được.


- Chủ tịch cũng chia sẻ là từ khi chia cổ tức đến nay thì hiện tại đã chia cổ tức tổng cộng 70% vốn điều lệ rồi. Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023 là 15% thì 10.36% đã chi trả luôn trong 2023 rồi, còn 4.64% còn lại sẽ trả trong năm 2024, ngoài ra tùy theo kết quả kinh doanh có thể thay đổi mức cổ tức (cái này giống như mọi năm)


Cập nhật KQKD quý 1.2024

Doanh thu quý 1.2024 tăng nhẹ 0.46% so với cùng kỳ, trong khi đó thì LNST tăng 57.4 đến từ việc giá vốn hàng bán giảm mạnh giúp biên lợi nhuận gộp QTP cải thiện rõ rệt từ 5.94% lên 9.4%.

2. Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB)


Cập nhật đại hội cổ đông 2024

Dư nợ một số nhóm khách hàng lớn:

+ Tỷ lệ cho vay nhóm doanh nghiệp Bất động sản chiếm khoảng 8% dư nợ (số liệu tại tháng 3/2024)

+ NVL: Năm 2023 thu hồi được khoảng 2.400 tỷ đồng (theo con số ước tính của em thì tới thời điểm hiện tại, dư nợ NVL đã giảm gần 50%)

+ Trung Nam: MBB tiếp tục khẳng định dòng tiền trả nợ tốt (theo cập nhật từ lần gặp gỡ MBB tại tháng 12/2023 thì các khoản dư nợ của Trung Nam vẫn thuộc nợ nhóm 1)


Kế hoạch kinh doanh năm 2024

+ Tăng trưởng tín dụng khoảng 15% - 16%

+ LNTT tăng trưởng 6% - 8% (tuy nhiên Ban lãnh đạo cũng chia sẻ thêm tại ĐHCĐ cũng như AM trước đó là phấn đấu tăng trưởng 10%)

+ COF của MBB được kỳ vọng đạt đỉnh trong năm 2023 và có dấu hiệu giảm (theo chia sẻ tại AM tháng 3/2024, COF có thể sẽ giảm 0,6 – 0,7 dpt so với cùng kỳ). Tuy nhiên, với việc yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp từ NHNN, MBB cho rằng NIM có xu hướng giảm trong năm 2024.

+ Chuyển giao ngân hàng yếu kém: MBB chia sẻ là đã hoàn tất các thủ tục trình chính phủ, kỳ vọng sẽ hoàn thành việc tiếp nhận OceanBank trong năm 2024.


Cập nhật KQKD quý 1.2024

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1/2024 của ngân hàng đạt 5.795 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ là 5.258 tỷ đồng, giảm 10%.


Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm đến từ việc thu nhập hoạt động cốt lõi kém khả quan và ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng. 


Ngoài ra, Investi tiếp tục đánh giá dựa trên các tiêu chí sau:

Các chỉ tiêu

Q1.2024

2023

VCSH/TTS > 7%

11.22%

10.23%

Tỷ trọng cho vay mảng Xây dựng + BĐS <= 10% tổng dư nợ

11.56%

11.95%

Tốc độ tăng trưởng nợ xấu nhóm 3-5 so với cùng kỳ (không vượt quá 1.5-2x lần)

156%

-23%

Các khoản lãi/phí phải thu, dự thu, phải thu lãi cho vay ở CĐKT nếu cao cần cẩn trọng vì đây là khoản nếu không thu hồi được sẽ thành nợ xấu

0.86%

< 1%

Chứng khoán kinh doanh không chiếm quá 20% VCSH

30.15%

45.75%

Bảo lãnh và cam kết khác ngoại bảng: có thể liên quan đến bảo lãnh cho các chủ đầu tư phát triển BĐS và bảo lãnh khoản vay đối với các khoản nợ quốc tế khá rủi ro. Xem tỷ trọng so với VCSH thế nào

1.96 lần

2.08 lần

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR/NPL >= 100%

80.05%

141.2%

CASA cao hơn trung bình ngành

36.6%

40.2% - top 1

Expenses spread (Tổng chi phí hoạt động/dư nợ cho vay khách hàng) tầm 2-3% hoặc nhỏ hơn càng tốt

0.57% (cho 1 quý)

2.44% (cả năm)

ROE đạt 20-30% bền vững

4.47% (cho 1 quý)

21.4% (cả năm)

Ở MBB quý 1.2024 có vài điểm cần lưu ý:

-          Nợ xấu tăng nhanh, trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng không tăng kịp để bù đắp khiến cho tỷ lệ LLR/NPL giảm dưới 100% -> hy vọng các quý tới sẽ dần xử lý được.

-          Điểm tích cực là bộ đệm an toàn là vốn chủ sở hữu đang tăng tốt, mảng chứng khoán kinh doanh đã hạ dần tỷ trọng.


Bản thân CEO Thái xuất thân từ CTCK MBS nên có bản tính aggressive về lợi nhuận và rủi ro, hy vọng sau giai đoạn xử lý các khoản nợ và trái phiếu rủi ro, CEO Lưu Trung Thái sẽ rút kinh nghiệm và cẩn trọng hơn trong tương lai để MBB tăng trưởng bền vững hơn.


3. Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIG)


Cập nhật đại hội cổ đông 2024


  • Tăng vốn điều lệ từ 1.726.725.000.000đ lên 2.014.333.750.000đ từ việc phát hành cổ phiếu mà năm ngoái chưa thực hiện được.

Kế hoạch năm 2024 sẽ tăng trưởng trở lại, điều này xuất hiện ở gần như tất cả các công ty bảo hiểm khác, do hai năm vừa qua phải ghi nhận chi phí đền bù cho thời điểm dịch covid, năm 2024 kinh doanh bình ổn trở lại nên các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng lại như trước dịch.

Năm nay quản lý chi phí tốt hơn, tỷ lệ combination xuống còn 96%, giảm 1% so với năm ngoái. Mảng bancas tăng trưởng mỗi năm 20%, hiện đang chiếm 30% tổng doanh thu. Năm nay dự kiến trả cổ tức tiền 10% tiền mặt.


Cập nhật KQKD quý 1.2024


Doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 9.5% nhưng doanh thu tài chính tăng lên 29.2% và chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 11.3% giúp cho lợi nhuận sau thuế tăng 12.1%

4. CTCP Xi măng La Hiên (CLH)

Cập nhật đại hội cổ đông 2024


ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Công ty đã thông qua tỷ lệ cổ tức năm 2024 là 15%, dự kiến chi trả cổ tức của năm 2023 là 26%.


CLH cũng thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu và thu nhập khác đạt gần 681 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; trong khi lãi trước thuế 40 tỷ đồng, giảm 34%. Trong đó, sản lượng tiêu thụ xi măng là 650 ngàn tấn và clinker thương phẩm 20 ngàn tấn.


Nói về vấn đề đặt kế hoạch lợi nhuận giảm, ông Trần Quang Khải - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc công ty cho biết, do từ cuối năm 2023 nguồn cung đá thải của Công ty Than Khánh Hòa có hạn, dẫn đến tiêu hao than/tấn sản phẩm tăng; đồng thời, trong năm 2023, nhà nước điều chỉnh tăng giá điện khoảng 7.5%, làm chi phí điện năng cho sản xuất tăng khiến lợi nhuận giảm.


Nhận định năm 2024, CLH cho biết thị trường tiêu thụ xi măng năm 2024 cạnh tranh rất khốc liệt, các thị trường xuất khẩu không ổn định, tăng giảm thất thường do cung vượt cầu, khó khăn và thách thức đối với công ty là rất lớn.


Cập nhật KQKD quý 1.2024


Quý 1.2024, doanh thu thuần đạt 117 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ; trong khi lãi sau thuế giảm tới 96%, còn gần 400 triệu đồng.


Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp cho biết lợi nhuận quý 1/2024 giảm là do ảnh hưởng của suy thoái thị trường, bất động sản trầm lắng, nhu cầu xi măng suy giảm, đặc biệt trùng với lịch nghỉ Tết Nguyên đán nên sản lượng tiêu thụ giảm; bên cạnh đó, giá bán sản phẩm bình quân cũng giảm so với với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty đã dừng dây chuyền với thời gian tương đối dài để bảo dưỡng, sửa thiết bị, vì vậy làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty trong quý vừa qua.


Mặc dù, giá cổ phiếu CLH không tăng như kỳ vọng do doanh nghiệp chưa tăng tỷ lệ cổ tức để tạo động lực tăng giá, nhưng với tỷ lệ cổ tức tốt vẫn đem lại khả năng sinh lời 8-10%. Tuy nhiên, nhìn chung CLH là cổ phiếu có kỳ vọng thấp nhất và kém hiệu quả nhất trong danh mục khuyến nghị của Investi, chúng tôi sẽ cân nhắc có thể tái cơ cấu lại cổ phiếu này nếu có cơ hội khác tốt hơn trong thời gian tới.


5. CTCP Đá Hóa An (DHA)


Kết quả kinh doanh Q1/2024

Theo báo cáo tài chính hợp nhất Q1/2024 của DHA, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lần lượt đạt 81,5 tỷ đồng (+8,4% YoY) và 8,7 tỷ đồng (-43,2% YoY). Doanh nghiệp giải trình doanh thu tăng do nhu cầu tăng tại mỏ Tân Cang đã giúp sản lượng tiêu thụ Q1/2024 tăng 45.431 m3 đá các loại so với cùng kỳ. Trái lại, lợi nhuận sau thuế của DHA đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh so với cùng kỳ do doanh nghiệp đã phải nộp bổ sung thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đất san lấp. Phía DHA chia sẻ khoản phí này là không thường xuyên và phát sinh do doanh nghiệp rà soát bản đồ hiện trạng các mỏ và phát hiện một số khu vực đã đưa vào khai thác nhưng chưa nộp các loại thuế phí theo quy định của Luật Khoáng sản 2010 (do các mỏ được đưa vào khai thác trước khi có luật) nên đã chủ động thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.


Các thông tin được lưu ý tại Đại hội


Về các mỏ đá hiện tại của DHA

  • Mỏ Núi Gió

Doanh nghiệp đánh giá mỏ Núi Gió thuận lợi về cả hoạt động khai thác và thủ tục pháp lý, tuy nhiên nhu cầu tại thị trường tỉnh Bình Phước và các khu vực lân cận còn kém khiến khó đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ. Doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu năm 2024 đạt 60 tỷ đồng (+16,9% YoY) khi nhu cầu tiêu thụ tại miền Nam tăng cao.

  • Mỏ Tân Cang 3

Trong năm 2023, DHA đã bị xử phạt 4,1 tỷ đồng do chiếm dụng trái phép khoảng 4,1 ha đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp vào diện tích khai thác tại mỏ đá Tân Cang 3. Doanh nghiệp chia sẻ cụm mỏ Tân Cang bao gồm nhiều mỏ nhỏ trực thuộc nhiều đơn vị khai thác khác nhau. Theo đó, trong quá trình quy hoạch đã xảy ra tình trạng một số thửa đất của DHA bị chồng lấn lên khu vực khai thác của mỏ khác khiến doanh nghiệp bị xử phạt. Hiện doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép cho thuê 1,2 ha đất trong 4,1 ha ở trên vào ngày 11/4/2024 vừa qua, 2,9 ha còn lại đang trong quá trình làm thủ tục xin cấp phép với tiến độ hiện tại ước đạt 80%.

Cho năm 2024, DHA đặt kế hoạch doanh thu cho mỏ đá Tân Cang 3 đạt 141 tỷ đồng (-11,5% YoY). Chuyên viên có đặt câu hỏi cho doanh nghiệp về lý do KH2024 của mỏ Tân Cang 3 lại thấp hơn so với cùng kỳ khi năm 2024 là năm cao điểm thi công của nhiều dự án hạ tầng lớn tại khu vực miền Nam. Doanh nghiệp giải trình việc đặt kế hoạch sẽ dựa theo công suất khai thác của mỏ và việc khai thác vượt công suất trong giấy phép có thể khiến DHA bị xử phạt hành chính. Hiện doanh nghiệp đã hoàn thành hồ sơ xin gia tăng công suất khai thác trình lên UBND tỉnh nhưng sẽ phải chờ 2 năm nữa mới được xét duyệt theo quy định. Tuy nhiên, chuyên viên đánh giá DHA vẫn sẽ khai thác vượt công suất trong năm 2024 nhằm đáp ứng nhu cầu cao của khu vực khi xu hướng này đã xảy ra trong năm 2023.

  • Mỏ Thạnh Phú 2

Doanh nghiệp đặt kế hoạch 2024 cho mỏ Thạnh Phú 2 với sản lượng và doanh thu lần lượt đạt 370 nghìn m3 (-65,8% YoY) và 57 tỷ đồng (65,4% YoY). Theo doanh nghiệp giải trình, nguyên chủ yếu do trữ lượng mỏ đang dần cạn kiệt do đã khai thác tới độ sâu tối đa là cote 80m cùng với giấy phép sẽ sớm hết hạn vào năm 2027. Bên cạnh đó, mỏ Thạnh Phú 2 cũng gặp vấn đề tương tự với mỏ Tân Cang 3 khiến việc gia hạn thuê đất gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp chia sẻ không chỉ riêng DHA mà Hiệp hội các doanh nghiệp đá miền Nam đang cùng xin cấp phép khai thác xuống sâu hơn tuy nhiên vẫn chưa được UBND tình phản hồi. Do đó, DHA phải điều chỉnh KH2024 thận trọng hơn dựa theo tình hình hiện tại của mỏ.

Doanh nghiệp chia sẻ tại Đại hội sẽ cố gắng đạt sản lượng khai thác tại mỏ Thạnh Phú 2 bằng 50% so với năm 2023.

Về giá bán đá xây dựng

Theo anh Nguyễn Văn Lương (Tổng Giám đốc) chia sẻ, mỗi khu vực sẽ áp một khung giá bán riêng. Các doanh nghiệp đá hoạt động trong cùng 1 khu vực sẽ có mức giá bán tương đương nhau. Do đó, việc tự ý tăng hay giảm giá bán là khó xảy ra và phải được các doanh nghiệp cùng thống nhất thì mới có thể điều chỉnh.

Về hoạt động tài chính

Doanh nghiệp sẽ tập trung vào mảng hoạt động kinh doanh chính là khai thác đá xây dựng và sẽ không tham gia vào các lĩnh vực khác như đầu tư chứng khoán, bất động sản do kết quả kém khả quan trong quá khứ.

Dự kiến sẽ tiếp tục trích lập thêm 13 tỷ đồng đối với khoản nợ xấu của Công ty TNHH Phú Mỹ An trong năm 2024.

Doanh nghiệp dự kiến chia thêm cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% lợi nhuận sau thuế năm 2023 (đã tạm ứng đợt 1 trong năm 2023 với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế năm 2023).

Theo anh Cao Trường Thụ (Chủ tích HĐQT) chia sẻ, Ban Lãnh đạo đã đi thăm dò một số mỏ đá lân cận để đầu tư mới tuy nhiên chưa có mỏ nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn của DHA. Do đó, doanh nghiệp sẽ không đầu tư mỏ mới trong năm 2024.


Kế hoạch kinh doanh 2024

Cho năm 2024, DHA đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 267,5 tỷ đồng (-31,4% so với TH2023) và lợi nhuận sau thuế đạt 38,3 tỷ đồng (-55,9% so với TH2023). Doanh nghiệp chia sẻ tình hình khai thác tại hai mỏ chính là Tân Cang 3 và Thạnh Phú 2 hiện đang gặp nhiều khó khăn khi đã khai thác đến vùng biên của mỏ và chưa được cấp phép thuê đất trở lại do một số thửa đất bị chồng lấn giữa các mỏ lân cận hoặc chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, phí tài nguyên và môi trường của tỉnh Đồng Nai sẽ tăng từ 5.000 đồng/m3 lên 7.000 đồng/m3 kể từ 01/01/2024 trở đi cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp.


Chuyên viên đánh giá DHA sẽ vượt kế hoạch doanh thu, không đạt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2024 và sẽ sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Nhu cầu đá xây dựng dự kiến tăng cao tại khu vực miền Nam khi nhiều dự án hạ tầng lớn tiến vào cao điểm thi công. Trong đó, khu vực mỏ tại Đồng Nai nói chung và mỏ Tân Cang nói riêng dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi có vị trí gần với dự án Sân bay Long Thành và sông Đồng Nai, thuận tiện cho việc vận chuyển khối lượng lớn bằng xà lan qua đường thủy (đã thể hiện trong KQKD Q1/2024 của DHA). Tuy nhiên, việc mỏ Thạnh Phú 2 bị thu hẹp sản xuất, phí tài nguyên tăng và tăng trích lập dự phòng nợ xấu dự kiến sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh năm 2024 của DHA.


6. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB)


Tăng trưởng tín dụng cao so với toàn ngành

-         Q1/2024, tăng trưởng tín dụng của TCB đạt 7% ytd, cao hơn đáng kể so với mức 1,3% của toàn ngành; chủ yếu đến từ nhóm KHDN. Nhóm BĐS và xây dựng vẫn là động lực tăng trưởng chính của TCB. Ngoài ra, trong Q1 TCB cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ từ nhóm DN bán lẻ, logistics (+35% ytd)

-         Các khoản giải ngân mới của hoạt động cho vay BĐS đã có sự hồi phục tốt về mức đầu năm 2022 (sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố pháp lý đầu năm 2023)

-         Với KHCN, tỷ trọng cho vay mortgage giảm, chỉ ở mức 74% so với trung bình 80% ở 4 quý trước


KQKD tăng trưởng mạnh mẽ

TOI

+32% yoy

LNTT

+39% yoy

-         NIM có sự hồi phục với việc chi phí vốn (COF) giảm mạnh, tỷ lệ CASA tăng lên mức 40,5% (+0,6 dpt qoq). Kể từ Q3/2024, tỷ trọng khách hàng doanh nghiệp đóng góp vào CASA tăng trưởng mạnh, điều này tương đối phù hợp với đóng góp từ tăng trưởng tín dụng. Tăng tỷ lệ CASA giúp cho lãi suất huy động trung bình của TCB có sự cải thiện (giảm 0,9 dpt qoq)

-         Thu ngoài lãi tăng trưởng 28% yoy với việc hồi phục từ thu phí IB, đóng góp 27% tổng thu ngoài lãi với mức tăng trưởng 164% yoy (khi thị trường trái phiếu có sự hồi phục)

Chất lượng tài sản

-         NPL

Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,17%, giảm nhẹ so với Q4/2023. Tuy nhiên cần lưu ý việc nợ nhóm 2 (phát sinh mới) có xu hướng tăng lên và việc tăng tỷ lệ nợ xấu tại nhóm KHCN

Khoản phải thu

Trong BCTC Q1/2024, khoản lãi phí phải thu tăng lên 2.000 tỷ (+20,3% ytd). Theo chia sẻ từ TCB thì khoản tăng này đến từ việc ghi nhận lãi phải thu từ chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán (số lãi dồn tích đã hạch toán vào thu nhập nhưng chưa được thanh toán). BCTC không thuyết minh rõ các khoản đóng góp này vào phần thu nhập, tuy nhiên đây cũng là một vấn đề cần lưu ý và cập nhật thêm trong các quý tới.


Kế hoạch 2024

Tăng trưởng tín dụng

+16,2% ytd

LNTT

+18,4% yoy

Theo chia sẻ từ TCB, các chỉ tiêu trong năm 2024 đều được kỳ vọng có sự cải thiện tích cực hơn. Đặc biệt phía ngân hàng cũng chia sẻ góc nhìn tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024. Đặc biệt kỳ vọng vào sự hồi phục của nhóm BĐS và nhóm các doanh nghiệp XNK.


NIM 2024 dự kiến ở mức 4,5%. Kế hoạch về LNTT đưa ra tại ĐHCĐ được coi là kế hoạch thận trọng, ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn.


7. CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (VLB)


Kết quả kinh doanh Q1/2024

Theo báo cáo tài chính Q1/2024 hợp nhất của VLB, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 290,5 tỷ đồng (+16,8% YoY) và 66,2 tỷ đồng (+74,3% YoY). Doanh nghiệp giải trình chủ yếu do dự án Sân bay Long Thành đẩy nhanh tiến độ ngay trong đầu năm khiến nhu cầu vật liệu san lấp tăng cao với sản lượng đã cung cấp chỉ riêng cho dự án này ước đã đạt ~300 nghìn m3 đá mi (tương đương 5,1% KH2024).


Các thông tin được lưu ý tại Đại hội


Về vấn đề gia hạn các mỏ đá Soklu 2 và Soklu 5

Theo giấy phép khai thác hiện hành của VLB (không bao gồm 1 năm cải tạo môi trường, đóng cửa mỏ), mỏ đá Soklu 5 sẽ hết hạn vào tháng 6/2024 và mỏ đá Soklu 2 sẽ hết hạn vào tháng 1/2025. Doanh nghiệp chia sẻ đã tích trữ sẵn đá nguyên liệu tại 2 mỏ này đủ để sản xuất trong vòng 6 tháng – 1 năm sau khi hết hạn giấy phép. Trong hai mỏ trên, mỏ Soklu 5 gặp nhiều vướng mắc pháp lý hơn khi hồ sơ xin gia hạn của doanh nghiệp đã bị UBND tỉnh Đồng Nai hoàn trả do phải tham khảo thêm ý kiến của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Tình hình tại mỏ Soklu 2 đỡ căng thẳng hơn khi lãnh đạo VLB kỳ vọng sẽ gia hạn được ngay khi thời hạn khai thác cho phép kết thúc.

Về tình hình giải phòng mặt bằng các mỏ của VLB

Doanh nghiệp chia sẻ hiện đã hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng và thuê đất cho 90% diện tích VLB được cấp phép khai thác. 10% còn lại đã được người dân chấp thuận mức giá đền bù tuy nhiên chưa thực hiện giải phóng mặt bằng do bị chồng chéo quy định giữa nhiều bộ luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Khoáng sản,…

Về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong khu vực

Anh Huỳnh Xuân Đạo (Chủ tịch HĐQT) chia sẻ áp lực cạnh tranh trong khu vực là rất quyết liệt khi chi phí sản xuất/1 m3 đá ra giữa các doanh nghiệp đá xây dựng không có nhiều khác biệt. Trong đó có 3 yếu tố cần chú trọng là vị trí mỏ, giá bán và chất lượng đá. Doanh nghiệp nào sở hữu mỏ gần các công trình trọng điểm sẽ được hưởng lợi khi có chi phí vận chuyển từ mỏ về công trình thấp hơn. Giá bán giữa các doanh nghiệp trong cùng khu vực sẽ tương đương nhau và khó điều chỉnh do sản phẩm đầu ra không có nhiều khác biệt do phải tuân theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Ngoài ra, các mỏ sở hữu chất lượng đá cao (VD: đá có nguồn gốc magma sẽ có cường độ chịu nén tốt hơn, phù hợp làm vật liệu san lấp cho công trình trọng điểm) cũng sẽ có thể đặt giá bán cao hơn so với các doanh nghiệp khác.

Về cổ đông lớn KSB

Trong thời gian giải lao, chuyên viên đã có cơ hội trao đổi với anh Trần Đình Hà (Thành viên HĐQT) của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (HSX: KSB). Anh Hà chia sẻ hiện hai bên đang duy trì mối quan hệ đối tác tốt đẹp và phía KSB hiện chưa có bất kỳ tác động nào vào hoạt động kinh doanh của VLB. Phía KSB tin tưởng vào Ban Lãnh đạo của VLB khi đã duy trì hoạt động khai thác ổn định và thủ tục pháp lý thuận lợi ở hầu hết các mỏ.


Kế hoạch kinh doanh 2024

Doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2024 lần lượt đạt 878,3 tỷ đồng (-12,6% so với TH2023) và 130 tỷ đồng (-24,8% so với TH2023). Phía VLB chia sẻ kế hoạch này được đặt dựa trên cơ sở doanh nghiệp sẽ chỉ khai thác trong công suất cho phép của giấy phép khai thác cùng với mỏ Soklu 5 sẽ hết hạn khai thác vào tháng 6/2024.


Chuyên viên đánh giá VLB sẽ vượt cả kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm 2024. Doanh nghiệp ước tính giai đoạn 1 của dự án Sân bay Long Thành sẽ sử dụng tới 18 triệu m3 và chỉ riêng nhu cầu từ dự án này đã khiến hầu hết các mỏ tại khu vực Đồng Nai chạy hết công suất ngay từ đầu năm mà vẫn không đáp ứng đủ. Dự kiến nhu cầu đá xây dựng tại khu vực miền Nam sẽ tiếp tục tăng cao khi nhiều dự án hạ tầng lớn tiến vào cao điểm thi công. Ngoài ra, do doanh nghiệp đã có tích trữ đá nguyên liệu tại các mỏ Soklu từ trước nên việc hết hạn giấy phép sẽ không quá đáng lo ngại trong năm 2024. Điều này đã được thể hiện trong kết quả kinh doanh Q1/2024 khả quan với doanh thu và lợi nhuận đã lần lượt đạt 33,1% KH2024 và 50,9% KH2024


8. Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC)


KQKD Q1/2024 và sơ bộ triển vọng Q2/2024

Kết quả kinh doanh Q1/2024 của DBC ghi nhận sự phục hồi tích cực với doanh thu thuần đạt 3.253 tỷ đồng (+40,6% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 73 tỷ đồng (so với mức -321 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023) tương đương thực hiện khoảng 10% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Mức phục hồi của doanh nghiệp được hỗ trợ bởi (1) giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào giảm và (2) giá lợn hơi ngoài thị trường tăng cao do nguồn cung giảm vì dịch bệnh.


Giá bán lợn hơi hiện tại của DBC rơi vào khoảng 62.000 đồng/kg. Doanh nghiệp dự báo giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi nguồn cung giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Tả lợn Châu Phi và phải mất tối thiểu 18 tháng mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu cung. Ngoài ra giá thành chăn nuôi lợn của doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm về mức 48.000 – 51.000 đồng/kg trong Q2/2024 (so với mức 53.000 – 54.000 đồng/kg của năm 2023). Ban lãnh đạo kỳ vọng lợi nhuận Q2 phấn đấu đạt khoảng 250 tỷ đồng.  


Các thông tin khác trong ĐHCĐ

  • DBC đã bảo toàn được đàn lợn trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, tỷ lệ lợn chết năm 2023 là 3,2% (so với mức tiêu chuẩn ngoài thị trường là 5%).

  • Năm 2023, DBC đã nhập khẩu ~ 10.000 lợn giống đưa vào chăn nuôi tại trang trại Thanh Hóa. Quy mô đàn lợn hiện nay của DBC vào khoảng 50.000 lợn nái và hơn 1 triệu lợn thịt.

  • Dự kiến DBC sẽ có vắc xin phòng dịch Tả lợn Châu Phi thương mại vào khoảng đầu Q3/2024. Trong giai đoạn dịch Tả lợn Châu phi diễn biến căng thẳng, đầu năm 2024 tập đoàn đã tiến hành tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn lợn nội bộ và sự bảo hộ ghi nhận điến thời điểm hiện nay là 100%.

  • DBC thông qua 2 kế hoạch phát hành tăng vốn:

  1. Phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP): 12 triệu cổ phiếu tương đương ~5%  số lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá phát hành 10.000 đồng/cp.

  2. Chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu: 80.667.286 cổ phiếu tương đương 33,33% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tỷ lệ thực hiện quyền 3:1 và giá chào bán 15.000 đồng/cp.


Tổng số tiền thu được dự kiến đạt khoảng 1.330 tỷ đồng chủ yếu được doanh nghiệp dùng để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành Dabaco giai đoạn 2 với công suất 1.000 tấn hạt/ngày. DBC kỳ vọng sẽ đưa vào hoạt động nhà máy này trong Q2/2025.


  • Dự kiến phát hành riêng lẻ hơn 48 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược (nhà đầu tư nước ngoài) giá chào bán thấp nhất 28.000 đồng/cổ phiếu, hạn chế chuyển nhượng trong 03 năm. Mục đích sử dụng vốn để đầu tư vào khu trang trại lợn tại xã Đồng Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa và trả nợ vay Ngân hàng cho Dự án “Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Thanh Hóa” tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. 

 
 
 

Comments


bottom of page